Trang chủ » Tin tức sự kiện » Tuân thủ quy định pháp luật về bảo vệ môi trường

Tuân thủ quy định pháp luật về bảo vệ môi trường

QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT VỀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG

Nhà nước ban hành luật bảo vệ môi trường cùng những quy định, thủ tục đi kèm để bảo vệ và cải tạo môi trường nhằm tránh những tác động, hậu quả xấu có thể xảy ra trong lương lai, để lại môi trường trong lành cho thế hệ sau tồn tại và phát triển, mục địch thực tế nhất mà mỗi chúng ta cần nhận thức được đó là bảo vệ cho cuộc sống, sức khỏe của chính chúng ta hiện tại. Môi trường là ngôi nhà chung của con người và các sinh vật khác, chúng ta làm việc tối thiểu 8 tiếng mỗi ngày đồng nghĩa với việc tối thiểu 1/3 thời gian một ngày chúng ta sống trong môi trường làm việc và sức khỏe chúng ta hoàn toàn phụ thuộc vào điều kiện môi trường nơi đây. Đó là lý do mà mỗi doanh nghiệp phải tuân thủ nghiêm các quy định về bảo vệ môi trường để bảo vệ chính cuộc sống và sức khỏe của bản thân mình và không gây ảnh hưởng đến cuộc sống của những người xung quanh.

Vậy một doanh nghiệp từ năm 2015 cơ bản cần hoàn tất những thủ tục gì về môi trường?

• Khi bắt đầu xây dựng doanh nghiệp: 

  • Tiến hành đánh giá tác động môi trường (ĐTM) đối với các dự án có quy mô tương ứng phụ lục 2 thuộc Nghị định 18/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 2 năm 2015 của Chính Phủ nhằm đánh giá những tác động xấu mà dự án có thể gây ra cho môi trường khu vực và đưa ra những biện pháp giảm thiểu.
  • Đối với dự án không thuộc phụ lục 2 thuộc Nghị định 18/2015/NĐ-CP, doanh nghiệp không tiến hành lập ĐTM mà phải lập Kế Hoạch Bảo Vệ Môi Trường (BVMT)
  • Đăng ký sổ chủ nguồn thải đối với doanh nghiệp có phát sinh chất thải nguy hại theo quy định Thông Tư 36/2015/TT-BTNMT ngày 30/06/2015; Nghị định 38/2015/NĐ-CP ngày 24/04/2015; QCVN 07:2009/BTNMT.
  • Doanh nghiệp phải xây dựng các hệ thống xử lý nước thải, chất thải rắn, khí thải để khi thải ra môi trường ngoài đáp ứng đủ điều kiện tiêu chuẩn môi trường cho phép.

• Khi doanh nghiệp đã đi vào hoạt động:

  • Nếu doanh nghiệp chưa lập ĐTM hoặc chưa có bản kế hoạch bảo vệ môi trường thì phải tiến hành lập Đề Án Bảo vệ môi trường chi tiết (đối với doanh nghiệp có quy mô tương ứng phải lập ĐTM) hoặc lập Đề án BVMT đơn giản đối với những doanh nghiệp còn lại.
  • Doanh nghiệp phải đảm bảo rằng trong quá trình hoạt động tuân thủ đúng theo những gì đã cam kết trong các hồ sơ môi trường (ĐTM, kế hoạch BVMT, đề án BVMT) để mục đích bảo vệ môi trường và thực hiện lập Báo Cáo Giám Sát Môi Trường Định Kỳ 2 lần 1 năm nộp vào trước các ngày 15/6 và 15/12 mỗi kỳ theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường 55/2014/QH13 ngày 23/6/2014; Nghị định số 18/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015.
  • Lập Đề Án khai thác nước ngầm nếu đơn vị có nhu cầu khai thác nước ngầm theo Luật Tài nguyên nước số 17/2012/QH13 ngày 02/07/2012; Luật Bảo vệ môi trường 55/2014/QH13 ngày 23/06/2014; Nghị định số 201/2013/NĐ-CP ngày 27/11/2013 của chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước; Thông tư số 27/2014/TT-BTNMT ngày 30/5/2014 của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
  • Xin giấy phép xả nước thải vào nguồn nước đối với các cơ sở nằm ngoài khu công nghiệp có lưu lượng nước thải lớn hơn 5m3/ngày đêm, căn cứ theo Luật Tài nguyên nước số 17/2012/QH13 ngày 21 tháng 6 năm 2012 Nghị định số 201/2013/NĐ-CP ngày 27 tháng 11 năm 2013.

Đơn vị không tuân thủ quy định Pháp luật về môi trường sẽ bị phạt hoặc đình chỉ hoạt động theo Nghị Định 179/2013/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2013 của Chính Phủ.

Bất cứ luật nào đưa ra cũng đều hướng đến mục đích cuối cùng là bảo vệ tốt nhất cho cuộc sống của con người, các doanh nghiệp cần tuân thủ theo đúng những gì pháp luật quy định để bảo vệ cuộc sống của chính bản thân mình và lợi ích con cháu về sau.

Các doanh nghiệp, cơ quan, cá nhân hãy cùng SVN chung tay bảo vệ môi trường sống, để thiên nhiên mãi trường tồn, sự sống vĩnh cửu.

5/5 - (2 bình chọn)